Hơn 70 đại biểu là các chuyên gia quốc tế và khu vực trong lĩnh vực thực thi pháp luật thủy sản, đến từ 12 quốc gia đã tham gia Hội thảo về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU). Sự kiện diễn ra trong 3 ngày (từ 23 đến 25/4) tại Đà Nẵng…
Hội thảo do Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ, Cục Phòng chống ma tuý và Thực thi Pháp luật quốc tế, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, tổ chức.
Hội thảo lần này tại Đà Nẵng là tiếp nối thành công của chuỗi Hội thảo khu vực về chống IUU diễn ra trước đó tại Kuala Lumpur, Malaysia vào tháng 9 năm 2022, và Cebu, Philippines vào tháng 5 năm 2023.
Theo Ban tổ chức Hội thảo, vấn đề khai thác cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với hệ sinh thái biển, và thực hiện mục tiêu phát triển nghề cá bền vững.
Hàng năm, sản lượng khai thác được xác định từ IUU lên đến 20 triệu tấn, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của ngư dân, đặc biệt là cộng đồng ngư dân ven biển, làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và làm tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Các đại biểu đến từ 12 quốc gia là: Hoa Kỳ, Australia, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Vương Quốc Anh, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Với sự nỗ lực liên tục trong thời gian qua, đến nay, Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật trong công tác chống khai thác IUU. Trước hết là đạt được sự thống nhất nhận thức cao và hành động quyết liệt trong tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp và đạt sự đồng thuận của toàn xã hội đối với thực hiện các quy định của pháp luật, các quy định về chống khai thác IUU.
Đồng thời, Việt Nam đã xây dựng được khung pháp lý toàn diện đầy đủ về quản lý nghề cá có trách nhiệm và chống khai thác IUU theo chuẩn mực quốc tế về trách nhiệm của quốc gia ven biển, quốc gia treo cờ, quốc gia có cảng. Công tác quản lý tàu cá đã chuyển biến một cách rõ rệt từ hiện trạng không nắm chính xác được số liệu tàu cá, số liệu đăng kí, cấp phép, không biết tàu đi đâu về đâu, đến nay đã xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tàu cá kết nối từ trung ương đến địa phương, tài khoản sơ sở dữ liệu cung được cung cấp cho các lực lượng thực thi pháp luật, và các cơ quan quản lý cảng để kiểm soát hoạt động của tàu cá.
Đặc biệt, có trên 97,65% tàu cá hoạt động vùng khơi (có chiều dài từ 15m trở lên) đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS. Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản được thực hiện và kiểm soát theo chuỗi từ khâu kiểm soát sản lượng qua cảng đến cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến.
Việt Nam cũng đã xây dựng cở sở dữ liệu quốc gia về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản từ Trung ương đến địa phương, các lực lượng thực thi pháp luật như Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển nhằm tạo dữ liệu tổng hợp phục vụ cho công tác thực thi pháp luật… Qua đó, các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài từ năm 2015 đến nay đã giảm rõ rệt.
Tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS cập cảng Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh Ngô Anh Văn
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết Việt Nam luôn xác định phát triển nghề cá bền vững là căn cốt để giải quyết vần đề khai thác IUU. Do vậy trong thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng và đang triển khai thực hiện đồng bộ chiến lược, các đề án phát triển trong các lĩnh vực khai thác, thủy sản, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản theo hướng xây dựng và phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm.
Nhấn mạnh đến trách nhiệm chống khai thác IUU, ông Trần Chí Cường chia sẻ: Việt Nam đặc biệt chú trọng xây dựng phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm, theo định hướng thị trường, thân thiện với môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an sinh xã hội; đồng thời, triển khai một kế hoạch đồng bộ với các mục tiêu và giải pháp cụ thể trong toàn hệ thống từ Trung ương đến địa phương, nhất là các địa phương ven biển, với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, đoàn thể, cộng đồng ngư dân, hiệp hội và doanh nghiệp thủy sản để chống khai thác IUU.
Tuy nhiên, theo ông Cường, việc chống khai thác IUU rất cần sự chung tay và nỗ lực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là sự hợp tác chặt chẽ giữa các lực lượng thực thi pháp luật trong khu vực. Do vậy Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của Hoa Kỳ trong việc tạo ra diễn đàn kết nối các lực lượng thực thi pháp luật thủy sản thông qua các chuỗi Hội thảo khu vực về chống khai thác IUU, nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các nước thành viên trong khu vực, tạo nền tảng kết nối mạng lưới với các cơ quan thực thi thuỷ sản các nước để tăng cường thực thi pháp luật chống khai thác IUU.
Sự kiện này cũng giúp tăng cường sự hợp tác giữa các nước thành viên trong khu vực thông qua trao đổi, chia sẻ cập nhật về xu hướng toàn cầu trong đấu tranh chống IUU, thách thức về nghề cá trong khu vực, sáng kiến tăng cường hợp tác chia sẻ thông tin, tổng quan về Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương và các công cụ về theo dõi, kiểm soát và giám sát tàu cá (MCS)…
Đồng thời đây cũng là cơ hội để các lực lượng thực thi pháp luật chống khai thác IUU cùng nhau chia sẻ về những thách thức cũng như kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất chống khai thác IUU, đặc biệt là tăng cường hợp tác song phương trong thực thi pháp luật thủy sản, cùng nhau đấu tranh chống IUU hiệu quả hơn.
Ngô Anh Văn
Nguồn: VnEconomy