10 loài thủy sản tiềm năng trong tương lai

0

NTTS bao gồm nuôi các loài thủy sản dưới nước như cá, nhuyễn thể, giáp xác, thực vật thủy sinh. Theo thống kê, có khoảng 580 loài thủy sản được nuôi trên thế giới (FAO, 2019) và hoạt động này dự kiến ​​sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới. Dưới đây là 10 loài thủy sản có xu hướng tiêu thụ tăng trong tương lai.

Tôm

Việc nuôi tôm thương mại đầu tiên bắt đầu những năm 1970, sản lượng sản xuất tôm phát triển nhanh chóng để theo kịp đòi hỏi của thị trường. Trong đó, châu Á là nơi chiếm 2/3 sản lượng tôm thế giới. Ở Việt Nam, tôm nước lợ đang được nuôi tại 30 tỉnh, thành trên cả nước và trở thành sản phẩm hàng hóa lớn. TTCT là một trong những loài tôm nuôi phổ biến nhất. Sản lượng TTCT trên thế giới luôn ở mức cao, ổn định trong rất nhiều năm. Loài này trở nên nổi tiếng ở các nước nhiệt đới, nhờ những đặc tính đáng mơ ước của nó, chẳng hạn như thời gian nuôi ngắn và tốc độ tăng trưởng nhanh và nó đã thâm nhập vào thị trường toàn cầu. Từ năm 1998, TTCT bắt đầu được du nhập Việt Nam với hình thức nuôi công nghiệp. Ba loài tôm nuôi chủ yếu khác là tôm sú và tôm càng xanh và tôm hùm.

Cá chép

Cá chép (tên khoa học Cyprinus carpio), là một loài cá nước ngọt phổ biến rộng khắp thế giới. Đây là một trong những loài cá đầu tiên mà con người cố gắng thuần hóa. Cá chép có giá trị kinh tế, thịt cá thơm ngon nhất là sau mùa cá được vỗ béo, được nhiều người nuôi và người tiêu dùng ưa thích. 97,3% sản lượng toàn cầu của nó có nguồn gốc từ hoạt động NTTS. Cá chép được nuôi ở hơn 100 quốc gia trên thế giới, các phương pháp nuôi cá chép phổ biến bao gồm từ các ao tự nhiên rộng lớn, nuôi trong lồng lưới và các hệ thống dòng chảy có kênh hoặc lưu vực tròn, đến các hệ thống tuần hoàn (RAS). Cá có thể nuôi đơn hoặc nuôi ghép đều cho năng suất và hiệu quả rất cao. Hầu hết sản lượng là trong các hệ thống nuôi bán thâm canh.

Cá rô phi

Ngành cá rô phi có quy mô lớn với sản lượng 6 triệu tấn được sản xuất mỗi năm. Đây là loài cá nuôi quan trọng thứ 2 trên thế giới, sau cá chép. Thị trường cá rô phi toàn cầu hiện nay khoảng 7,9 tỷ USD và dự báo tăng lên 9,2 tỷ USD vào năm 2027. Cá rô phi, có nguồn gốc từ châu Phi và Trung Đông và thường được gọi là “gà thủy sinh”, hiện được nuôi rộng rãi ở khoảng 145 quốc gia trên toàn thế giới. Đây là một loài linh hoạt, khỏe mạnh và phát triển nhanh, có thể được nuôi trong nhiều môi trường và hệ thống nuôi khác nhau, từ nuôi ao với chi phí thấp, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp đến các hệ thống thâm canh như NTTS tuần hoàn (RAS), Biofloc… Mặc dù có khoảng 70 loài cá rô phi, nhưng sản lượng cá rô phi thương mại tập trung chủ yếu vào ba loài, trong đó cá rô phi sông Nile (Oreochromis niloticus) trong nhiều thập kỷ đã góp phần vào sự gia tăng đáng kể sản lượng cá rô phi toàn cầu từ NTTS nước ngọt. Với nhu cầu ngày càng tăng đối với cá rô phi trên thị trường quốc tế, không có thời điểm nào tốt hơn hiện nay, để các nhà sản xuất thương mại tham gia nuôi cá rô phi.

Cá hồi

Cá hồi là tên gọi chung của một số loài cá trong họ Salmonidae (ví dụ: cá hồi Đại Tây Dương, cá hồi Thái Bình Dương); đây là một trong những loài NTTS quan trọng nhất ở một số khu vực trên thế giới. Nuôi cá hồi bắt đầu ở mức độ thử nghiệm vào những năm 1960, nhưng đã trở thành một ngành công nghiệp ở Na Uy vào những năm 1980 và ở Chilê vào những năm 1990. Ngành công nghiệp cá hồi nuôi đã phát triển đáng kể trong 40 năm qua và ngày nay khoảng 60% cá hồi được sản xuất trên toàn thế giới là từ   nuôi trồng. Nuôi cá hồi được ghi nhận là có lợi thế về môi trường so với các loài cá khác. Hoạt động nuôi cá hồi có lượng khí thải carbon thấp đang ngày càng giảm, nhờ những cải tiến trong quá trình lai tạo và sinh sản của loài cá này. Đồng thời, cá hồi có hệ số chuyển đổi thức ăn từ 1,2 đến 1,5, giống như gà thịt và cần ít nước hơn để sản xuất 1 kg thịt. Trên thị trường có cá hồi tự nhiên và cá hồi nuôi, nhưng loại được bán nhiều nhất là cá hồi Đại Tây Dương nuôi. Tổ chức FAO dự đoán rằng dân số thế giới sẽ đạt 9,7 tỷ vào năm 2050 và nhu cầu về lương thực sẽ tăng 50%. Cá, đặc biệt là cá hồi nuôi, có thể là một giải pháp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này.

Cá tra

Cá tra ngày càng phổ biến trên thế giới nhờ giá trị dinh dưỡng; trong đó, Việt Nam đang chiếm 90 – 94% thị phần cá tra trên thế giới. Đây là một trong những đối tượng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam. Cá tra đã được nuôi và phát triển chủ yếu ở 10 tỉnh ĐBSCL của Việt Nam, bao gồm: An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang. Các phương pháp sản xuất như kích thích sinh sản bằng hormone, đã cho phép nuôi cá tra phát triển nhanh chóng và giúp loài cá này trở thành một sản phẩm quan trọng trên toàn cầu. Đặc biệt, những cải tiến về công nghệ trong lai tạo, chọn lọc di truyền cũng mang lại tiềm năng, cơ hội và phát triển hơn nữa của ngàng hàng này. Cá tra thể hiện một loạt lợi thế về khả năng sinh sản, chịu đựng ôxy hòa tan thấp và năng suất sản xuất cao. Do đó, khi nhu cầu về hải sản an toàn và bền vững tiếp tục tăng lên, có khả năng việc nuôi và tiêu thụ cá tra sẽ trở nên phổ biến hơn.

Cá vược

Cá vược là loài có giá trị kinh tế cao và được thế giới quan tâm phát triển nuôi từ lâu. Loài cá này không ngừng tăng về sản lượng và được nuôi phổ biến ở nhiều nơi. Nghề nuôi cá vược được hình thành từ thập kỷ 70 ở Songkla, Thái Lan và hiện chiếm một phần quan trọng trong sản lượng NTTS trên thế giới, đặc biệt là các nước Đông Nam Á. Chúng có thể sống cả ở biển và nước ngọt, dễ nuôi, sinh trưởng nhanh, giá trị dinh dưỡng cao nên đang được quan tâm đưa vào nuôi biển theo quy mô công nghiệp. Cá được nuôi thương phẩm nhiều ở các nước: Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Đài Loan… trong các ao đầm nước lợ và nước ngọt, cũng như nuôi trong lồng trên các vùng biển. Trong những năm gần đây, ngành này đã tìm thấy các cơ hội thị trường mới cho thấy xu hướng tiêu thụ cá vược ngày càng tăng.

Cá bớp

Loài cá này thể hiện nhiều đặc tính thuận lợi cho NTTS bao gồm: tăng trưởng nhanh tới 6 kg trong năm đầu đời; thích nghi với các hệ thống canh tác; bể tuần hoàn; ao biển ven biển; lồng biển. Hiện, các doanh nghiệp đã áp dụng thành công ở quy mô thương phẩm từ khâu sản xuất giống, ương cá giống và nuôi thương phẩm. Cá bớp là một loài cá nuôi tiềm năng, cho hiệu quả kinh tế cao. Ở Việt Nam, cá bớp được nuôi ngày càng nhiều, đặc biệt ở các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Khánh Hòa, Kiên Giang, Phú Yên… Đây là đối tượng nuôi có chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi (nguồn thức ăn là cá tạp nên dễ tìm và quản lý lồng nuôi), nhanh lớn, nhất là tỷ lệ sống và lợi nhuận cao hơn một số vật nuôi khác và ít rủi ro hơn, nên được nhiều người dân mạnh dạn đầu tư. Ở một số tỉnh ven biển có kết hợp các khu vực nuôi cá bớp với mô hình du lịch sinh thái, mang lại nhiều giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nuôi và quảng bá du lịch địa phương.

Hàu

Hàu là loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ, sống ở nước mặn tại các vùng vịnh và đại dương. Theo số liệu của FAO, vào năm 1952, sản lượng nuôi hàu toàn cầu lần đầu tiên vượt sản lượng khai thác tự nhiên – lần lượt là 306.930 và 302.526 tấn. Sản lượng nuôi đã liên tục vượt sản lượng thu hoạch hàu tự nhiên kể từ thời điểm đó và năm 2019 đạt 6.125.606 tấn, so với 133.984 tấn khai thác tự nhiên. Có thể thấy, ngành NTTS hai mảnh vỏ đang phát triển và số lượng hoạt động thương mại hải sản ngày càng tăng đang thúc đẩy thị trường hàu. Đồng thời, thói quen ăn uống ngày càng phổ biến trên khắp lục địa và xu hướng ưa chuộng hải sản ngon làm tăng nhu cầu về hàu. Ngoài ra, một số cải tiến trong hệ thống bán hàng cho hàu tươi, đóng hộp cũng kích thích tăng trưởng tiêu thụ. Hiện, nhiều quốc gia đã áp dụng các giải pháp nuôi hàu trong môi trường giống như biển nhân tạo, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng. Hai phương pháp được sử dụng phổ biến nhất để nuôi hàu là nuôi treo và nuôi đáy. Trung Quốc là nước sản xuất khoảng 85% lượng hàu trên thế giới.

Vẹm

Là một mặt hàng quan trọng trên toàn cầu, được nuôi ở Bắc và Nam Mỹ, châu Á, châu Âu và châu Đại Dương. Đây là thực phẩm giàu protein, vitamin, khoáng chất tốt như canxi, kali, kẽm, sắt, phốt pho và đồng… rất được ưa chuộng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, vẹm xanh là một nguồn giàu axit béo omega-3 chống viêm, đặc biệt là axit eicosapentaenoic (EPA), axit eicosatetraenoic (ETA) và axit docosahexaenoic. Ngoài ra, chúng cũng là một thành phần trong thức ăn cho cá và còn được sử dụng trong thức ăn cho động vật, đặc biệt là ở Trung Quốc. Theo FAO, sản lượng vẹm toàn cầu năm 2018 là 2,1 triệu tấn, tăng từ 1,8 triệu tấn năm 2015, châu Á chiếm hơn một nửa sản lượng. Nghề nuôi vẹm được xem như một thế hệ sản xuất thực phẩm mới có tiềm năng, giúp cung cấp thức ăn cho dân số ngày càng tăng, đồng thời phục hồi đa dạng sinh học bản địa, vốn đã bị tổn hại hoặc bị hủy hoại bởi ô nhiễm và các hoạt động đánh bắt có hại. Nuôi vẹm bằng dây treo tạo ra một sinh cảnh biển, một hệ sinh thái tồn tại vĩnh viễn. Vẹm phát triển dễ dàng nhất trong tất cả các loài động vật có vỏ nuôi, đạt kích cỡ thị trường trong vòng một năm. Hiện, vẹm chiếm gần 1/3 tổng số sản phẩm NTTS được bán ở EU.

Tảo bẹ

Không phải tất cả các hoạt động NTTS đều liên quan đến động vật. Việc trồng cây thủy sinh, chẳng hạn như tảo bẹ, là một ngành đang phát triển. Tại Anh, nhiều trang trại trồng rong biển, tảo bẹ và tảo đang mọc lên dọc theo đường bờ biển, khi quốc gia này tiến tới tăng tỷ trọng trong ngành công nghiệp rong biển toàn cầu. Nuôi tảo bẹ có thể giúp giải quyết một số vấn đề về môi trường, bao gồm cả nhu cầu về dầu tảo ngày càng tăng. Nuôi tảo bẹ thân thiện với môi trường hơn đáng kể so với các hình thức NTTS khác. Nhiều hệ sinh thái được hưởng lợi từ sự hiện diện của loại cây này, do các yếu tố như hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Nó thậm chí còn là một lựa chọn thực phẩm lành mạnh cho con người.

>> NTTS là nguồn cung cấp thực phẩm và sản phẩm thương mại có trách nhiệm với môi trường, giúp tạo ra môi trường sống lành mạnh hơn và được sử dụng để tái tạo lại đàn các loài bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng.

Diệu Châu (Tổng hợp)

Nguồn: Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Leave A Reply

Your email address will not be published.