β-glucan sợi nấm tăng khả năng kháng bệnh của cá hồi

0

Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng β-glucan có nguồn gốc từ sợi nấm Aspergillus niger có thể tăng cường khả năng kháng các bệnh lở loét trên cá hồi Đại Tây Dương.

Mycelium, hay sợi nấm, là một mạng lưới các sợi tơ nhỏ, dài thực hiện chức năng cung cấp chất dinh dưỡng nuôi quả thể nấm. Chức năng chính của các sợi mycelium là tiết ra các loại enzyme phù hợp có khả năng phá vỡ chất nền xung quanh chúng, từ đó cung cấp chất dinh dưỡng và nước cho nấm.

Mới đây, công ty Citribel chuyên sản xuất mycelium tại Bỉ đã hợp tác với Onda, một tổ chức nghiên cứu theo hợp đồng, thực hiện thử nghiệm đánh giá hiệu quả của sợi nấm mycelium đối với cá hồi Đại Tây Dương. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện cá hồi Đại Tây Dương được nuôi bằng khẩu phần bổ sung β-glucans có nguồn gốc từ mycelium của nấm Aspergillus niger biểu hiện khả năng chống lại dịch bệnh lở loét cao hơn. Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Fabio Zanuzzo cho biết, sản phẩm β-glucans từ mycelium của nấm Aspergillus niger có tên thương mại Mycofence.

Để đánh giá sâu hơn về tác dụng của β-glucan sợi nấm, các nhà nghiên cứu đã cho cá hồi Đại Tây Dương ăn các khẩu phần chứa hợp chất β-glucan từ sợi nấm Aspergillus niger theo các tỷ lệ khác nhau và khẩu phần chứa hợp chất tương tự có nguồn gốc nấm men thương mại. Sau 5 tuần theo chế độ ăn này, cá hồi được tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh viêm loét gồm Tenacibaculum maritimum và Moritella viscosa.

Cá được cho ăn hợp chất có nguồn gốc sợi nấm biểu hiện các dấu hiệu miễn dịch đáp ứng tăng rõ rệt cùng với tỷ lệ chết thấp hơn so với nhóm cá hồi được nuôi bằng nấm men thương mại và khẩu phần đối chứng. Tỷ lệ chết của nhóm cá sử dụng Mycofence giảm 43% sau khi tiếp xúc với vi khuẩn T. maritimum và giảm 31% khi tiếp xúc với vi khuẩn M. viscosa.

Tiến sĩ Fabio Zanuzzo cho biết, nghiên cứu trên đã chứng minh Mycofence, một loại β-glucan mới có nguồn gốc từ sợi nấm mốc Aspergillus niger, đã cải thiện đáng kể miễn dịch đáp ứng và tỷ lệ sống của cá hồi Đại Tây Dương trong suốt đợt bùng phát dịch bệnh lở loét. Qua đó, ngành nuôi trồng thủy sản có thêm một giải pháp mới và tiềm năng để thay thế các loại β-glucan thương mại hiện nay.

Dũng Nguyên (Theo Thefishsite)

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.